Hiện nay, việc sở hữu ít nhất một chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEIC,.. trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn. Trong đó, chứng chỉ TOEFL cũng được ưa chuộng nhờ tính ứng dụng cao của nó. Vậy TOEFL là gì? Sở hữu chứng chỉ TOEFL mang lại lợi ích gì cho chủ sở hữu? Cùng Estudyme tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé! 

 

toefl là gì
Thông tin cơ bản về kì thi TOEFL

 

1. TOEFL là gì?

TOEFL là viết tắt của cụm từ “Test of English as a Foreign Language”, được sử dụng để đánh giá khả năng tiếng Anh của các thí sinh sử dụng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. TOEFL thường được yêu cầu cho những người học tập hoặc làm việc ở các quốc gia nói tiếng Anh hoặc tham gia các chương trình học quốc tế.

 

2. Chứng chỉ TOEFL được phân loại như thế nào?

Không như những chứng chỉ khác, bài thi TOEFL có rất nhiều hình thức thi tùy theo nhu cầu của mỗi thí sinh. Chúng ta có tổng cộng 5 loại chứng chỉ TOEFL bao gồm: PBT, IBT, ITP, Primary và Junior.

 

2.1. Theo hình thức thi

Có hai hình thức thi TOEFL phổ biến bao gồm:

  • TOEFL iBT (Internet-based Test): Thí sinh làm bài trực tuyến trên máy tính kết nối internet. Thí sinh có thể đăng kì và tham gia thi tại các trung tâm thi TOEFL chính thức trên toàn cầu.
  • TOEFL PBT (Paper-based Test): Thí sinh làm bài trên giấy. Tại các quốc gia hoặc khu vực nơi TOEFL iBT không phổ biến có thể tổ chức phiên bản PBT.
  • TOEFL ITP (Institutional Testing Program): Thí sinh làm bài thi trên giấy. Hình thức thi này dành cho nội bộ doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu đánh giá kỹ năng sử dụng tiếng Anh đối với nhân viên hay học sinh của mình.

Thông thường, TOEFL iBT được ưa chuộng hơn vì nó phản ánh tốt hơn môi trường học tập và làm việc hiện đại, sử dụng Internet và máy tính.

 

2.2. Theo độ tuổi 

  • TOEFL Primary: Dành cho các thí sinh từ 8 tuổi trở lên
  • TOEFL Junior: Dành cho các thí sinh ở độ tuổi Trung học cơ sở, từ 11 tuổi trở lên

Nhìn chung, TOEFL thường được yêu cầu để nhập học vào các trường đại học quốc tế, chương trình học tiếng Anh, hoặc đôi khi là một yêu cầu tuyển dụng trong môi trường làm việc quốc tế.

chứng chỉ toefl
Mẫu chứng chỉ TOEFL

 

3. Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL là gì? Chứng chỉ mang đến những lợi ích nào cho người học? 

Sau khi hoàn thành bài thi TOEFL, bạn sẽ được cấp chứng chỉ tiếng Anh TOEFL. Nó được sử dụng như là một văn bằng quốc tế chứng minh khả năng sử dụng tiếng Anh của người học và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị học tập hoặc làm việc ở các quốc gia nói tiếng Anh. Sở hữu chứng chỉ tiếng Anh TOEFL mang đến rất nhiều lợi ích có thể kể tới như: 

 

3.1. Nâng cao cơ hội học tập quốc tế

Chứng chỉ TOEFL từ lâu đã được chấp nhận tại hơn 10.000 trường Đại học trên 150 quốc gia. Nhờ vào việc được công nhận toàn cầu, người học có thể dễ dàng đăng ký và theo học các chương trình quốc tế, từ đó mở ra tầm nhìn mới trong sự phát triển cá nhân và học thuật.

 

3.2. Tăng cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp đa quốc gia 

Chứng chỉ TOEFL không chỉ chứng nhận khả năng sử dụng tiếng Anh mà còn là chìa khóa mở cửa cơ hội nghề nghiệp quốc tế cho chủ nhân sở hữu nó. Hiên nay, đa số các doanh nghiệp đa quốc gia thường đánh giá cao ứng viên có chứng chỉ quốc tế trong đó có TOEFL, vì điều này giúp họ nhanh chóng tích hợp vào môi trường làm việc toàn cầu.

 

3.3. Cải thiện kỹ năng tiếng Anh 

Qua quá trình ôn tập và chuẩn bị cho TOEFL, người học không chỉ đạt được mục tiêu nhận bằng mà còn cải thiện đáng kể 4 kỹ năng tiếng Anh của mình. Nhờ việc tiếp xúc với ngôn ngữ tiếng Anh thường xuyên, người học cũng trở nên tự tin hơn khi giao tiếp và làm việc trong môi trường tiếng Anh.

 

3.4. Miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia

Ngoài các lợi ích quốc tế, chứng chỉ TOEFL còn đem lại lợi ích đáng kể cho các bạn học sinh Việt Nam đó là miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia. Những người có chứng chỉ này sẽ được quy đổi sang điểm thi mà không cần làm bài thi tiếng Anh thông thường. Điều này giúp các em tiết kiệm thời gian ôn thi, tạo thuận lợi tập trung vào các môn học ưu tiên khác. 

 

4. Khi nào nên thi TOEFL? 

Vậy khi nào nên thi TOEFL? Hãy cân nhắc việc sở hữu một chiếc bằng TOEFL nếu bạn ở trong các trường hợp dưới đây: 

  • Xin vào đại học hoặc chương trình học tiếng Anh quốc tế: Nếu bạn dự định học tập tại một trường đại học quốc tế hoặc tham gia vào một chương trình học tiếng Anh, TOEFL thường là một yêu cầu.
  • Đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp quốc tế: TOEFL có thể cung cấp lợi thế khi xin việc làm trong các doanh nghiệp quốc tế, nơi một chứng chỉ về khả năng sử dụng tiếng Anh có thể được đánh giá cao.
  • Muốn đánh giá và cải thiện kỹ năng tiếng Anh của mình: Ngay cả khi không có kế hoạch cụ thể, việc thi TOEFL cũng có thể giúp bạn đánh giá kỹ năng tiếng Anh hiện tại và tìm ra cách cải thiện chúng.

Một trong những lưu ý cho cho các bạn thí sinh đó là trước khi quyết định thi TOEFL, nên kiểm tra yêu cầu của trường, chương trình hoặc tổ chức bạn đang hướng đến để đảm bảo rằng TOEFL là chứng chỉ phù hợp và được chấp nhận.

lợi ích chứng chỉ toefl
Khi nào nên thi TOEFL

 

5. Cấu trúc bài thi TOEFL bao gồm những phần nào? 

Bài thi TOEFL, đặc biệt là TOEFL iBT (Internet-based Test), bao gồm bốn phần chính để đánh giá kỹ năng tiếng Anh toàn diện của thí sinh. Dưới đây là cấu trúc chi tiết của một bài thi TOEFL:

 

5.1. Nghe (TOEFL Listening)

Bài thi TOEFL bắt đầu bằng phần Nghe, trong đó thí sinh sẽ phải lắng nghe và hiểu rõ các bản tin, bài giảng, cuộc trò chuyện học thuật, và các tình huống giao tiếp khác nhau. 

Số lượng bài nghe có thể dao động từ 4 đến 6, và thời gian mỗi bài có thể kéo dài từ 3 đến 5 phút. 

Thử thách của phần này không chỉ đến từ việc hiểu nội dung mà còn từ việc nhận diện thông tin chi tiết, ý chính, và quan hệ giữa các ý. Thí sinh sẽ phải xử lý nhanh chóng thông tin nghe và sử dụng kỹ năng ngôn ngữ để trả lời các câu hỏi liên quan.

 

5.2. Đọc (TOEFL Reading)

Phần Đọc của TOEFL đánh giá khả năng đọc hiểu và xử lý thông tin của thí sinh. 

Trong khoảng thời gian từ 54 đến 72 phút, thí sinh sẽ phải đọc 3-5 đoạn văn, mỗi đoạn với nhiều loại văn bản khác nhau như bài báo, đoạn sách học thuật, và các tài liệu khác.

Các câu hỏi xoay quanh nội dung của đoạn văn và đòi hỏi thí sinh phải tìm hiểu ý chính, chi tiết, và cấu trúc tổ chức của văn bản. Đồng thời, họ cũng cần kỹ năng phân tích và suy luận để đưa ra câu trả lời chính xác.

 

5.3. Nói (TOEFL Speaking)

Phần Nói của TOEFL đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của thí sinh. Thí sinh sẽ phải thực hiện 6 nhiệm vụ nói khác nhau, từ việc tự giới thiệu đến thảo luận về các chủ đề học thuật hoặc xã hội. 

Thử thách chính là sự đa dạng của nhiệm vụ và thời gian hạn chế để chuẩn bị ý và trình bày một cách rõ ràng. Đánh giá không chỉ dựa trên khả năng diễn đạt ý mà còn liên quan đến khả năng tổ chức ý, sự phát triển ý, và sự sáng tạo trong diễn đạt.

 

5.4. Viết (TOEFL Writing)

Phần Viết của TOEFL đánh giá khả năng viết của thí sinh trong các tình huống học thuật và giao tiếp. Thí sinh sẽ phải viết hai bài, bao gồm một bài luận dựa trên thông tin đọc và nghe, và một bài viết tóm tắt ý kiến cá nhân về một chủ đề cụ thể. 

Thách thức ở đây không chỉ là việc sử dụng từ vựng và ngữ pháp một cách chính xác mà còn là khả năng xây dựng một cấu trúc văn bản có logic và liên kết ý một cách mạch lạc. Thí sinh cũng cần thể hiện khả năng phân tích sâu sắc và suy luận từ thông tin đã được cung cấp.

 

Dưới đây là bảng tổng hợp các thông tin chính trong bài thi TOEFL mà các bạn thí sinh nên biết: 

Thông tin Nghe Nói Đọc Viết
Thời gian 41-57 phút 17 phút 54-72 phút 50 phút
Số lượng 4-6 bài 6 nhiệm vụ 3-5 đoạn 2 nhiệm vụ
Dạng bài bản tin, bài giảng, cuộc trò chuyện học thuật giới thiệu bản thân, thảo luận về một chủ đề, và phản hồi về một bài đọc hoặc nghe bài báo, đoạn sách học thuật viết một bài luận

 

6. Cách tính điểm thi TOEFL

Như đã đề cập trước đó, bài thi TOEFL bao gồm 4 phần và thang điểm thi TOEFL sẽ chấm dựa trên từng phần. Mỗi phần, thí sinh có thể đạt tối đa 30 điểm và điểm tổng cộng là tổng điểm của cả bốn kỹ năng. Điểm tối đa của bài thi là 120 điểm.

 

Cách tính điểm cho mỗi phần thi phụ thuộc vào số lượng câu hỏi trong từng phần. Tuy nhiên, sự khác biệt này là khá nhỏ (1 điểm), vì vậy thí sinh cần làm bài cẩn thận để tránh mất lợi thế chỉ vì mất 1 điểm. Một bài thi hợp lệ yêu cầu thí sinh phải trả lời ít nhất một câu hỏi trong các phần Nghe, Đọc, Nói và Viết, cũng như viết ít nhất một bài văn để được chấm bởi hội đồng thi.

 

Điểm cho phần Nghe và Đọc sẽ được chấm ngay trên máy tính khi thí sinh kết thúc bài thi. Còn điểm cho phần Viết và Nói sẽ được đánh giá và chấm bởi các chuyên gia khảo thí, thông báo qua email hoặc công bố trên trang web của ETS sau khoảng 2 tuần từ ngày thi. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho thí sinh, đòi hỏi phải duy trì sự cẩn thận và chuẩn bị đầy đủ cho tất cả các phần của bài thi.

 

 

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về chứng chỉ TOEFL mà estudyme.com mong muốn mang tới cho người đọc. Hy vọng rằng sau khi hoàn thành bài viết này, các bạn đã tìm được lời giải cho câu hỏi TOEFL là gì cũng như bổ sung thêm những thông tin hữu ích khác trong bài viết. Bên cạnh đó, nếu các bạn có nhu cầu luyện thi TOEFL online, đừng bỏ qua các bài luyện thi TOEFL trên trang web này nhé!